Đồng chí Lương Công Chanh – Phó Bí thư Thường trực thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố dâng hương tại Đền thờ Hoàng Bà, xã Quảng Châu
Đền thờ Hoàng Bà thuộc địa phận thôn 6 xã Quảng Châu, được tạo dựng từ đầu thế kỷ 17, thờ bà Trần Mã Châu, một vị tướng tài bà đã có công lao to lớn cùng Hai Bà Trưng đánh tan quân Tô Định giành lại độc lập cho đất nước. Theo ngọc phả còn ghi lại: Trần Mã Châu hay còn được gọi là Châu Nương, con gái bộ chúa Trưởng Quan, ở đất Nam Xương (Hà Nam). Tuy là nữ nhi nhưng bà có chí khí như các bậc nam nhi, dũng lược đa mưu, tính cách phi thường. Sống trong cảnh nước mất nhà tan, nhân dân đau đớn quằn quại dưới gót giày quân xâm lược phương Bắc, cha của Châu Nương cũng bị chúng sát hại. Nung nấu trong lòng ý chí đền nợ nước, trả thù nhà, bà đã cắt tóc giả làm ni sư, đi khắp các chùa để chiêu mộ anh hùng hào kiệt, cùng đứng lên giết giặc cứu nước. Sau đó được Trưng Trắc, Trưng Nhị thâu nạp, đón về để cùng đánh đuổi Tô Định. Sau khi đánh đuổi được quân Nam Hán, Trưng Nữ lên ngôi hoàng đế, phong cho Mã Châu làm “Trưởng binh Nội các trung cung nội thị”. Trưng Vương lên ngôi được 3 năm thì quân Nam Hán lại sang xâm lược nước ta. Trần Mã Châu được lệnh ra quân quyết chiến với giặc. Quân giặc bao vây tứ phía. Trên mình ngựa, tay cầm song kiếm, bà tả xung hữu đột, thây giặc ngổn ngang. Được nửa ngày, gió thổi làm lộ thân hình, tướng giặc biết đó là nữ liền hô to: “Sĩ tốt khỏa thân mà đánh" khiến bà lúng túng, bị thương, quay ngựa chạy về đến Bảo Châu thì hóa. Đó là ngày 3/3 năm Ất Mùi (năm 43 sau Công nguyên). Dân làng nơi đây đã lập đền thờ, tế lễ để ghi công đức của Hoàng Bà. Cảm phục và thương xót bậc hiền lương đã quên mình vì nước, dân làng nơi đây đã lập đền thờ, tế lễ để ghi công đức của Hoàng Bà, Trưng Vương truy phong cho bà là “Thượng đẳng Phúc Thần” và phê chuẩn cho làng Bảo Châu là nơi đền chính, phụng sự tế tự.
Suốt chiều dài lịch sử, trải qua bao biến cố thăng trầm, đền Hoàng Bà đã nhiều lần phải trùng tu tôn tạo song vẫn giữ được nét uy nghi, giản dị, thanh tao. Hiện đền còn giữ được 7 sắc phong qua các triều đại và khá nhiều hiện vật quý giá như: Kiệu bát cống, kiệu võng, kiệu Bà, đại tự, hoành phi, câu đối ca ngợi công đức Hoàng Bà với nhiều nội dung sâu sắc. Năm 1997, đền Hoàng Bà đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Hàng năm lễ hội được tổ chức từ ngày 1 – 3/3 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, như: dâng hương, tế lễ và một số trò chơi dân gian như: Hội thi cầu kiều trên cạn; kéo co; hội thi chuyền chanh; hội thi nhảy bao bố; bịt mắt đập niêu, thả diều sáo; chương trình văn nghệ trong các ngày diễn ra lễ hội. Đặc biệt năm nay tại lễ hội còn tổ chức rước kiệu du xuân trên các tuyến đường chục chính của làng thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương về dâng hương tế lễ./.
Một số hình ảnh rước kiệu, hát Quan họ tại Lễ hội Đền Hoàng Bà:
Nguyễn Hồng