TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN XÃ DƯƠNG QUANG RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024
  18/08/2021     |  Lượt xem 6   

Thành phố Hưng Yên phát triển các loại cây trồng lợi thế

Là thủ phủ của tỉnh nhưng thành phố Hưng Yên lại có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp như diện tích đất ngoài bãi phì nhiêu màu mỡ, hệ thống sông, hồ bao quanh, khí hậu ôn hòa, với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: nhãn, cam, mật ong, long nhãn, hạt sen... Nhận thức rõ điều này, những năm qua thành phố đã chú trọng mở rộng diện tích, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm từ cây ăn quả chủ lực. Chính vì vậy nhiều loại cây ăn quả của địa phương đã được nâng tầm hình ảnh, chất lượng và cả giá trị.

Thành phố Hưng Yên hiện có diện tích đất nông nghiệp 3.917 ha, chiếm 53,04 % tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó có trên 2.018 ha diện tích cây ăn quả (cây trồng chủ lực là cây nhãn 1.033 ha;  cây có múi 270 ha và  cây chuối 506 ha). Nhằm nâng cao chất lượng, năng suất và giá trị cây trồng, những năm qua thành phố luôn chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu câu trồng, tập trung vào cây trồng chủ lực gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Giai đoạn 2016- 2020, toàn thành phố đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 740 ha, đạt 162% theo mục tiêu đề ra. Qua tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, các hộ nông dân đã nắm bắt được chủ trương, quy định về trình tự, thủ tục về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thực hiện tốt việc lựa chọn cây trồng phù hợp với trình độ thâm canh, điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương... Qua đó đã mạng lại hiệu quả kinh tế cao so với trước đây, góp phần nâng giá trị sản xuất trên 01 ha canh tác của thành phố từ 160 triệu đồng/ha/năm ở năm 2016 lên 252 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020. Tiêu biểu như mô hình: Chuyển sang trồng nhãn cho thu nhập từ 250- 300 triệu đồng/ha/năm; chuyển sang trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi) cho thu nhập từ từ 250- 350 triệu đồng/ha/năm; chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập từ 300- 450 triệu đồng/ha/năm; chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau an toàn cho thu nhập từ 200- 300 triệu đồng/ha/năm... Đến nay thành phố đã thành lập được 52 hợp tác xã nông nghiệp, các hợp tác xã ngày càng thể hiện vai trò, tầm quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện thành phố đã có 2 loại nông sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu tập thể là Nhãn lồng Hưng Yên và Cam Quảng Châu. Trong đó diện tích nhãn được quy hoạch trồng theo tiêu chuẩn VietGap tập trung tại xã tại các xã Hồng Nam, Phương Chiểu, Tân Hưng; diện tích cam VietGAP tập trung tại Quảng Châu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển, sản xuất các cây trồng chủ lực còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay. Nông dân tại một số địa phương còn tâm lý giữ đất, chưa tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Một số vùng đã chuyển đổi nhưng việc đầu tư cho cho sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu, nông dân còn trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sản phẩm chưa đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường do khâu chế biến còn ít và quy mô nhỏ, mẫu mã, hình thức hàng hóa chưa hấp dẫn. Tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quảng bá sản phẩm còn hạn chế; viêc tiêu thụ nông sản chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thương lái… do đó đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nhằm tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích các cây trồng, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm từ cây ăn quả chủ lực, lợi thế như nhãn, cam... Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã xây dựng Đề án số 01- ĐA/TU, ngày 20/1/2021 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế khu vực nông thôn giai đoạn 2020- 2025, với mục tiêu đến năm 2025 tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu diện tích đất ngoài bãi tại các phường, xã, với diện tích chuyển đổi khoảng 290 ha diện tích hiện là đất trồng lúa, cây rau màu, cây lâu năm không hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha canh tác đạt trên 300 triệu đồng

Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố tập trung tuyên truyền, vận động người nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Vận động nhân dân thực hiện cải tạo vườn tạp gia đình; thực hiện duy trì không mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, duy trì diện tích nhãn 982 ha, 160 ha trồng cam. Chuyển đổi diện tích trồng lúa, cây kém hiệu quả sang cây ăn quả. Có ít nhất 30% diện tích cây ăn quả được hướng dẫn và trồng cây theo tiêu chuẩn VietGAP. Chuyển đổi đất trồng lúa, cây kém hiệu quả sang trồng hoa cây cảnh tại các địa phương có tiền năm trở thành làng nghề sản xuất hoa, cây cảnh tập trung gắn với phát triển du lịch như Lam Sơn, Bảo Khê, Quảng Châu, Hồng Châu, Hồng Nam; trồng cây dược liệu như cây đinh lăng, cà gai leo, cây nghệ, cây lấy tinh dầu… tại các địa phương đang có diện tích trồng cây dược liệu như Phú Cường, Hùng Cường, Trung Nghĩa, Bảo Khê.

Về giải pháp thực hiện, thành phố và các phường, xã sẽ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp trong việc vận chuyển vật tư, sản phẩm đi tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động du lịch sinh thái vườn; xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, hiện đại tiết kiệm nước (phun mưa, nhỏ giọt...); xây dựng hệ thống điện phục vụ cho sản xuất, nuôi trồng và chế biến. Bên cạnh đó tổ chức tốt khâu quản lý và liên kết trong sản xuất nông sản: Tổ chức lại sản xuất, phát huy thế mạnh của kinh tế trang trại, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác thông qua việc thành lập tổ hợp tác hay hợp tác xã làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp trong hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm cây ăn quả tại các hội chợ, hội thi về sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, còn gắn kết với các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, giúp người trồng cây ăn quả an tâm sản xuất và nhân rộng diện tích...

Trong tình hình dịch bệnh covid- 19 đang diễn biến phức tạp, để chủ động, kịp thời trong việc bảo đảm tiêu thụ nông sản cho người dân, thành phố Hưng Yên đã triển khai các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản từ việc thu thập thông tin, lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các kênh tiêu thụ đến công tác vận chuyển, chế biến, tiêu thụ nội bộ và nhân lực hỗ trợ thu hoạch nông sản. Qua đó đã tạo thuận lợi kết nối giữa các hợp tác xã, tổ chức, nông dân với các doanh nghiệp và đầu mối thu mua, tiêu thụ mang lại hiệu quả cao, đảm bảo giữa phòng, chống dịch với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đồng chí Cao Cường, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Để tiếp tục phát triển diện tích, hỗ trợ tiêu thụ tốt đối với cây ăn quả chủ lực của thành phố, trong thời gian tới phòng Kinh tế tiếp tục tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố triển khai hiệu quả tốt Kế hoạch thực hiện Đề án số 01- ĐA/TU, ngày 20/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế khu vực nông thôn giai đoạn 2020- 2025. Chú trọng mở rộng diện tích cây bưởi và cây ăn quả; ổn định diện tích cây Nhãn, Cam theo định hướng của sở Nông nghiệp. Đặc biệt mở rộng diện tích Vietgap cho cây nhãn và cây cam. Bên cạnh đó phối hợp tốt với Sở Công thương và các đơn vị có liên quan tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hội trợ; tham gia sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của thành phố.

       Nguyễn Minh Ngân ( Ban Tuyên giáo Thành ủy Hưng Yên)

 

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 4235666