Nhân dân và du khách dự lễ khai mạc tại Lễ hội
Theo các tài liệu lịch sử còn lưu giữ lại, đình Hiến có vào khoảng cuối thế kỷ XIII. Đình Hiến có kiến trúc thời Hậu Lê, kiểu chữ Đinh, thờ vị quan thái giám họ Du thời nhà Tống – Trung Quốc (đời Tống Bính Đế). Ông là người có công với triều đình nhà Tống và cũng là người có công trong việc phụng thờ Dương Quý Phi tại thôn Hoa Dương, huyện Kim Động, trấn Sơn Nam xưa, nay là đền Mẫu thờ Dương Quý Phi tại phường Quang Trung (thành phố Hưng Yên). Theo truyền thuyết của nhân dân trong vùng, trong thời gian quan thái giám họ Du ngụ tại làng Mậu Dương, ông đã có công lao hướng dẫn nhân dân trong làng làm nghề canh nông, trồng dâu nuôi tằm, buôn bán, thủ công, đánh cá… Nhờ vậy, cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc. Để tưởng nhớ công đức của vị thái giám họ Du, sau khi ông mất, nhân dân trong vùng đã dựng ngôi đền để thờ ông.
Đình Hiến là một trong những di tích nằm trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến, được Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1992. Ngày 31/2/2014, Đình được nâng cấp là Di tích Quốc gia đặc biệt. Hàng năm, nhân dân đều tổ chức lễ hội truyền thống đón khách xa gần đến tế lễ, chiêm bái, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức của bậc tiền nhân…
Tại lễ hội, nhân dân được hòa mình trong không khí trang nghiêm của các nghi thức tế lễ, rước kiệu truyền thống và các các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và vui chơi giải trí của nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Khởi kiệu Thành Hoàng rước lên đền Mẫu
Nguyễn Hồng – Công Hiếu
Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh thành phố