Hầu hết các ca sốt xuất huyết đều có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng, có thể được chăm sóc, phục hồi tại nhà. Trong một số trường hợp hiếm gặp, sốt xuất huyết có thể trở nặng, thậm chí gây tử vong. Cho đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng chống chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngăn không cho muỗi đốt, v.v...
Trong nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của sốt xuất huyết đến sức khỏe cộng đồng, từ năm 2010, ASEAN đã chọn ngày 15/6 là "Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết", điều này thể hiện mạnh mẽ sự cam kết chung của cộng đồng 11 nước thành viên ASEAN với quyết tâm hướng tới một ASEAN không có sốt xuất huyết. Hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết" năm 2024, mỗi người dân và cộng đồng hãy chung tay thực hiện các biện pháp sau:
1. Mỗi người dân nên dành 1h mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước, các vật dụng, rác thải chứa nước đọng là nơi cho muỗi vằn đẻ trứng, làm phát sinh lăng quăng, muỗi.
2. Các gia đình phải đậy kín bể, chum, vại chứa nước sinh hoạt, thay nước thường xuyên các bình trồng cây cảnh thủy sinh, đổ nước khay chứa nước đọng sau tủ lạnh
trong nhà để tránh muỗi đẻ trứng. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
3. Phun hóa chất, sử dụng bình xịt, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày trong mùa dịch để tránh muỗi đốt.
4. Hưởng ứng tích cực và phối hợp với chính quyền địa phương, ngành y tế trong các Chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Với phương châm:
Không có lăng quăng, bọ gậy, không có muỗi vằn = không có sốt xuất huyết!
Ban biên tập